Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Trung Đỗ.
Tối 25/5, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Lễ khai mạc "Festival 100 năm dừa sáp và tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024". Sự kiện có sự tham dự của một số cơ quan Trung ương, lãnh đạo địa phương, khách quốc tế, nhà khoa học, cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh có nguồn gốc từ 100 năm trước và hiện là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ tiềm năng đó, diện tích trồng dừa sáp tại huyện Cầu Kè không ngừng được mở rộng.
Tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Ngày 5/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận cây dừa sáp trồng tại Trà Vinh là "Cây dừa Việt Nam". Cùng thời điểm, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho quả dừa sáp Trà Vinh, nhãn hiệu chứng nhận và logo chỉ dẫn địa lý cho giống cây này. Điều đó góp phần xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu Trà Vinh trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lan tỏa của dừa sáp trong tương lai.
Festival 100 năm dừa sáp là dịp để tôn vinh đặc sản quê hương, quảng bá thương hiệu và các sản phẩm chế biến từ loại đặc sản này ra thị trường quốc tế. Sự kiện còn tạo cơ hội thúc đẩy giao thương, kết nối kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có đầu tư chế biến dừa sáp. Trà Vinh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác, hướng đến phát triển bền vững.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và logo cho sản phẩm dừa sáp cho tỉnh Trà Vinh. Ảnh: HT.
Theo ông Lê Văn Hẳn, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị dừa sáp giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu mở rộng thêm 550ha vùng trồng dừa sáp đặc sản. Kế hoạch bao gồm việc quy hoạch vùng trồng, mở rộng canh tác theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP.
Tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng cho vùng trồng dừa, ứng dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống cấy phôi và cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Đồng thời, diện tích canh tác sẽ tiếp tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và chế biến dừa sáp, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để minh bạch hóa giao dịch. Quy trình sản xuất và chế biến sẽ được hiện đại hóa để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao.
Địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến tại chỗ nhằm giảm chi phí vận chuyển và tăng giá trị sản phẩm. Xúc tiến thương mại qua các kênh truyền thông và thương mại điện tử cũng là hướng đi chiến lược.
Trong khuôn khổ sự kiện, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và logo cho sản phẩm dừa sáp Trà Vinh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu này trên thị trường quốc tế.
Dừa sáp có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Cầu Kè. Ảnh: Hồ Thảo.
Festival 100 năm dừa sáp và tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra từ ngày 25/8 - 31/8 (tức từ 22- 28/7 âm lịch) với 12 hoạt động chính. Các chương trình nổi bật bao gồm lễ khai mạc, hội thảo về cây dừa sáp, trưng bày sản phẩm đặc sản, hội thi chế biến món ăn từ dừa sáp, tọa đàm "Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu", cùng các hoạt động thể thao, văn hóa, ẩm thực, và tín ngưỡng. Festival hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho người dân và du khách.
Nguồn: nongnghiep.vn