Tạo lập, công bố, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre sẽ thúc đẩy tinh thần đổi mới, sức sáng tạo, truy tầm, phục dựng, giữ gìn, bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa ẩm thực xứ Dừa, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần thiết thực nâng ẩm thực dừa Bến Tre lên tầm cao mới một cách bền vững xứng tầm thế giới.
Các món ăn được bày trí tại sự kiện chế biến và công diễn 222 món ăn từ dừa
nhiều nhất thế giới.
Ẩm thực dừa Bến Tre
Sự kiện ngày 27-6-2022 tại tỉnh nhân lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022), 55 đầu bếp cùng tham gia chế biến, công diễn 222 món ăn từ dừa thuộc 14 nhóm món ăn như: nhóm món ăn gỏi có 22 món; nhóm món cuốn 9 món; nhóm món chả giò 8 món; nhóm món bánh chiên, bánh xèo, bánh khọt 18 món; nhóm món cơm, xôi 13 món; canh 15 món; nhóm món kho 26 món; món cháo 5 món; món chiên, quay 12 món; món xào 12 món; nhóm chè, thạch, kẹo có 36 món; nhóm món nấu, hon, um 9 món; nhóm món bánh hấp, bánh nướng có 30 món; nhóm món luộc, hấp 7 món.
Với 222 món ăn chế biến từ dừa, tỉnh đồng thời phá kỷ lục Việt Nam và xác lập kỷ lục thế giới: “Nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ dừa nhiều nhất thế giới”. Trước đó, vào năm 2009, nhân sự kiện Lễ hội Dừa tỉnh lần thứ I, Bến Tre đã xác lập kỷ lục Việt Nam: “Ngày hội ẩm thực có số lượng món ăn thức uống được chế biến từ dừa nhiều nhất” với số lượng 185 món chế biến từ dừa.
Ẩm thực dừa Bến Tre thực chất là sản phẩm thực phẩm làm từ nguyên liệu dừa nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn uống hàng ngày, được tạo tác từ sự sáng tạo, tinh tế và mang sắc thái đặc trưng, riêng có của người dân xứ Dừa. Do đó, việc xây dựng và hình thành nhãn hiệu ẩm thực dừa Bến Tre trở thành thương hiệu sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực dừa, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà.
Xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Trong thời gian qua, việc xây dựng nhãn hiệu đối với ẩm thực nói chung và ẩm thực dừa Bến Tre nói riêng còn tồn tại những khó khăn nhất định, dù vậy, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, hình thành và đã định hình một số nhãn hiệu về ẩm thực dừa riêng có của tỉnh, có danh tiếng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng.
Một số nhãn hiệu sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre đã được bảo hộ.
Đối với các sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre, khó phân biệt bởi các yếu tố địa lý cấu thành nhưng có khả năng sản xuất dưới dạng quy mô công nghiệp, công suất lớn như kẹo dừa, bánh hoa dừa, cơm dừa, sữa dừa, nước dừa, cà phê sữa dừa, rượu mật hoa dừa… Ngành KH&CN đã hỗ trợ cho các chủ thể xác lập quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp theo hình thức nhãn hiệu thông thường, nhờ đó Bến Tre phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến ẩm thực từ dừa.
Những sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre có tính chất đặc trưng chung như một chỉ dẫn chung nhất về xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn hóa, truyền thống, ngành KH&CN hỗ trợ các tổ chức tạo lập thành nhãn hiệu tập thể và đã giao cho các tổ chức, tập thể sử dụng, khai thác như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, tép rang dừa Mỹ Hưng.
Riêng các sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre có nguồn gốc từ khu vực, địa phương tương ứng có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý nơi sản xuất quyết định được ngành KH&CN tiến hành xây dựng, công bố, quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển hình thức chỉ dẫn địa lý như Chỉ dẫn địa lý Bến Tre đối với sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh do Sở KH&CN trực tiếp quản lý.
Bên cạnh việc các chủ thể tổ chức tốt việc quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển, các sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngành KH&CN tiếp tục lựa chọn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ các sản phẩm ẩm thực dừa Bến Tre và lựa chọn hình thức phù hợp để đăng ký nhãn hiệu ẩm thực dừa Bến Tre. Trước mắt, ngành KH&CN đang khẩn trương triển khai Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.