Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Võ Văn Nam cho biết, ngành chức năng đang triển khai giải pháp sinh học phòng trừ sâu đầu đen (SĐĐ) hại dừa; trong đó, tập trung nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (OKS) Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus để quản lý SĐĐ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam kiểm tra nhân nuôi ong ký sinh.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh, các huyện đã phóng thích hơn 150 triệu OKS SĐĐ hại dừa. Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh phóng thích hơn 372 triệu con OKS SĐĐ hại dừa.
Ông Võ Văn Nam cho biết, hiện nay, các tổ TT&BVTV các huyện phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tỉnh tăng cường rà soát lại diện tích nhiễm phát sinh từ thời điểm nắng nóng để sớm phát hiện phòng trị, không để lây lan thành ổ dịch lớn khó kiểm soát. Tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn để tuyên truyền, vận động nông dân không phun xịt thuốc sau khi thả ong để bảo vệ nguồn OKS ngoài đồng, đảm bảo hiệu quả phòng trừ. Phối hợp với UBND các xã có vườn dừa nhiễm SĐĐ vận động nông dân thực hiện quy trình quản lý tổng hợp.
“Vào thời điểm nắng nóng là môi trường thuận lợi cho SĐĐ phát triển, nhưng lại là thời điểm bất lợi để nhân nuôi phóng thích OKS. Do đó, gây phát sinh các diện tích nhiễm SĐĐ. Hiện đang vào mùa mưa là điều kiện tốt để nhân nuôi phóng thích OKS, vì vậy, ngành chức năng các địa phương tổ chức nhân nuôi để phóng thích OKS, làm tăng mật độ OKS phòng trừ SĐĐ gây hại”, ông Võ Văn Nam cho biết thêm.
Ông Võ Văn Nam khuyến cáo, người dân cần tuân thủ đúng biện pháp quản lý tổng hợp SĐĐ hại dừa; chủ động thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm SĐĐ gây hại; cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, dừa nước, cọ, chuối...), tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.
Đây là biện pháp rất quan trọng, hiệu quả (diệt cả trứng, sâu non và nhộng), an toàn môi trường và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện SĐĐ gây hại; bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón giúp cây khỏe để nhanh phục hồi sau khi bị gây hại; không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm SĐĐ sang các vùng khác để hạn chế lây lan. Ngoài ra, khi phát hiện vườn dừa bị hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá/ lá chét bị sâu hại trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật, sau phun thuốc từ 2 tuần trở lên tiến hành phóng thích OKS và ngừng phun thuốc...
Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, tổng diện tích vườn dừa nhiễm SĐĐ hiện tại hơn 630ha, tăng 16ha so với tuần trước. Lũy kế diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học hơn 2.274ha, diện tích đốn do bị SĐĐ gây hại hơn 93ha. Trong 630ha nhiễm SĐĐ, diện tích nhiễm nhẹ hơn 309ha (tỷ lệ hại 10 - 20%), nhiễm trung bình 181ha (tỷ lệ hại > 20 - 40%) và nhiễm nặng hơn 140ha (tỷ lệ hại > 40%).