Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đến tháng 6-2023, diện tích dừa toàn tỉnh khoảng 78,145ha, tăng 1,15% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm khoảng 352 triệu trái, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tình hình sâu bệnh gây hại trên cây dừa được kiểm soát. Các doanh nghiệp ngành dừa vẫn trong tình trạng sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu trong xây dựng chuỗi giá trị dừa và xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung.
Tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 30 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô 9.332ha và 6.853 thành viên. Tổng diện tích dừa hữu cơ 17.846ha, chiếm 23% diện tích dừa toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận 11.418ha. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa ước đạt 1.880 tỷ đồng, tăng 4,44% so với cùng kỳ, chiếm 9,74% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, một số sản phẩm than hoạt tính giảm 4% so với cùng kỳ; chỉ xơ dừa cũng có sự sụt giảm.
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình với chủ trương phát triển ngành dừa theo chuỗi giá trị, khẳng định đây là xu hướng phát triển hiện nay, vì vậy cần chú trọng mối liên kết doanh nghiệp và nông dân. Chia sẻ khó khăn và bàn bạc, kiến nghị giải pháp để tỉnh quan tâm phát triển ngành dừa thời gian tới như: đáp ứng yêu cầu trong sản xuất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ phát triển chế biến...
Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Trần Anh Tuấn cho biết: Thời gian tới, Hiệp hội Dừa Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp tốt với các ngành, các địa phương để giải quyết những vấn đề có liên quan đến ngành dừa. Hỗ trợ triển khai chương trình dừa hữu cơ làm cơ sở cho các chứng nhận chất lượng sản phẩm từ dừa; tiếp tục thực hiện công tác củng cố, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất chế biến giữa nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương trong quá trình xây dựng các chứng nhận xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, mã vùng trồng, xúc tiến thương mại.
Tin, ảnh: Hoàng Lam
(baodongkhoi.vn)